Trang chủ space Tin tức space Trăn trở mùa xây dựng

Trăn trở mùa xây dựng

So với 5 năm về trước, việc lựa chọn vật liệu xây dựng hiện nay (đặc biệt là vật liệu xây trát và keo dán gạch) trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì trên thị trường xuất hiện quá nhiều các nhãn hàng và các dòng sản phẩm khác nhau. Làm thế nào để khách hàng có được những lựa chọn đúng đắn cho ngôi nhà mơ ước của mình? Thạc sĩ Phạm Thị Lan Anh – TGĐ Công ty CP Bê tông, Xây dựng A&P trao đổi.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại vật liệu khác nhau. Bên cạnh loại vữa truyền thống trộn tại chỗ thì có đến 3 nhãn hiệu vữa khô trộn sẵn và trên 30 loại keo dán gạch ốp lát… Vậy theo bà, người dân phải làm thế nào để lựa chọn được đúng loại vật liệu mình cần?

Theo tôi, để lựa chọn vật liệu xây dựng, chúng ta nên chọn theo một số tiêu chí sau:

Thứ nhất: Chọn theo thương hiệu. Những nhãn hiệu vữa khô và keo dán gạch ốp lát uy tín là những sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại theo công nghệ tiên tiến của thế giới, có công suất lớn. Những sản phẩm này có hệ thống phân phối rộng khắp và chất lượng đã được người tiêu dùng khẳng định. Ngoài ra, nên quan tâm đến các nhãn hiệu lớn có cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật trước và sau giai đoạn xây nhà.

Thứ hai là chọn theo tiêu chuẩn kĩ thuật của vật liệu. Cụ thể là: Loại keo dán gạch phù hợp với nhà dân dụng là keo dán gạch tiêu chuẩn loại C1. Đối với nhà cao tầng đòi hỏi chất lượng cao thì yêu cầu keo dán gạch loại C2. ( C1 & C2 là các chỉ số về cường độ bám dính tối thiểu của keo dán gạch theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 13007-2004)

Đối với vữa khô trộn sẵn thì nhà dân dụng nên chọn loại vữa khô trộn sẵn mác 75#, vùng nông thôn thì nên chọn loại mác 50# (75#, 50# là các chỉ số về cường độ chịu nén tối thiểu của mẫu vữa chuẩn sau 28 ngày đóng rắn).

Những chỉ số C1, C2 hay 75#, 50# đều phải được ghi rõ trên vỏ bao, tuân thủ theo những qui định của nhà nước về tiêu chuẩn sản xuất vữa xây trát- TCVN 4314:2003 cũng như tiêu chuẩn sản xuất keo dán gạch ISO 13007-2004 của Việt nam và quốc tế hiện nay.

Thứ ba là lựa chọn theo kinh phí. Tùy vào khả năng tài chính của người tiêu dùng mà lựa chọn những nhãn hàng phù hợp.

Kinh phí của các sản phẩm công nghệ cao có đắt hơn nhiều so với vữa truyền thống không, thưa bà?

Nếu xét về cơ bản thì chi phí cho 1 m3 xây và 1 m2 trát khi sử dụng vữa khô cao cấp nhãn hiệu Mova và vữa xi măng cát trộn sẵn tại công trường xấp xỉ bằng nhau vìtuy đơn giá vật liệu vữa khô Mova cao gấp 2 lần so với vữa xi măng cát trộn tại chỗ nhưng không hao phí vật liệu khi vận chuyển, bảo quản và thi công. Lại giảm được tiền lương công nhân xây trát và chi phí vệ sinh công trường cũng như vận chuyển phế thải (Bỏ hẳn 100% chi phí sàng cát). Ngoài ra, chi phí vật liệu xây trát và keo dán gạch chỉ chiếm khoảng 5-7% toàn bộ chi phí xây dựng của ngôi nhà. Nếu dùng vữa truyền thống hay các keo dán gạch giá rẻ, số tiền tiết kiệm được (nếu có) không nhiều, trung bình chỉ khoảng tầm 2 triệu đến 3 triệu cho mỗi căn nhà 200 m2 nhưng người tiêu dùng có thể phải lăn tăn về chất lượng dẫn đến không yên tâm trong thời gian sử dụng.

polycons.vn - Theo báo điện tử xây dựng